SỰ KIỆN VỀ

KỲ THỊ MANG THAI

Luật Kỳ Thị Mang Thai là một tu chính cho Khoản VII thuộc Luật Dân Quyền 1964. Kỳ thị dựa trên việc mang thai, sinh con hoặc những bệnh có liên hệ đến mang thai, tạo thành sự kỳ thị giới tính bất hợp pháp theo Khoản VII. Phụ nữ mang thai hoặc có bệnh liên hệ đến mang thai phải được đối xử như những ứng viên hoặc nhân viên khác, có những điều kiện và giới hạn tương tự.

TUYỂN DỤNG

Chủ nhân không được từ chối thuê mướn một phụ nữ vì bà có những điều kiện liên quan đến mang thai miễn là bà ta vẫn có khả năng làm những việc chính trong công việc. Chủ nhân không thể từ chối thuê mướn bà vì thành kiến của chủ nhân đối với nhân viên mang thai, hoặc vì thành kiến của đồng nghiệp, khách hàng hoặc thân chủ.

NGHỈ PHÉP MANG THAI VÀ HỘ SẢN

Chủ nhân không thể nhắm riêng vào những điều kiện liên hệ đến mang thai để đặt ra những thủ tục đặc biệt nhằm xác định khả năng làm việc của nhân viên. Tuy nhiên, chủ nhân có thể sử dụng bất cứ phương thức nào vẫn hay dùng để kiểm tra khả năng làm việc của những nhân viên khác. Thí dụ, nếu trước khi cho phép nghỉ hoặc trả tiền nghỉ bệnh, chủ nhân đòi nhân viên phải nộp giấy bác sĩ chứng nhận không đủ khả năng đi làm thì chủ nhân cũng có thể đòi nhân viên muốn nghỉ bệnh vì mang thai phải nộp giấy chứng nhận y như vậy.

Nếu một nhân viên tạm thời không thể đảm trách được công việc vì mang thai thì chủ nhân phải đối xử giống như bất cứ nhân viên nào khác tạm thời bất khả dụng; thí dụ như cho làm những việc nhẹ khác hoặc làm những việc tạm thời khác, cho nghỉ bệnh hoặc cho nghỉ không lương.

Nhân viên mang thai phải được phép đi làm nếu như đương sự vẫn có khả năng hoàn tất công việc của mình. Nếu một nhân viên phải nghỉ vì những bệnh do mang thai gây ra rồi hết bệnh, chủ nhân không được buộc nhân viên phải tiếp tục nghỉ cho đến lúc sanh con. Chủ nhân không được đặt ra quy luật cấm nhân viên trở lại làm việc sau một thời gian đã quy định sau khi sanh con.

Chủ nhân phải giữ việc làm cho nhân viên vắng mặt vì mang thai trong một thời hạn tương tự như cho nhân viên nghỉ vì ốm đau hoặc tàn tật.

BẢO HIỂM SỨC KHỎE

Bất cứ bảo hiểm sức khỏe của chủ nhân cũng phải bao gồm các bệnh liên hệ đến mang thai giống như những bệnh khác. Bảo hiểm sức khỏe cho việc phá thai thì không bắt buộc, ngoại trừ khi nào tính mạng của người mẹ lâm nguy.

Những chi phí cho bệnh liên hệ đến mang thai sẽ được bồi hoàn giống như chi phí những bệnh khác, dù tiền được trả trên căn bản được xác định trước hay trên căn bản tỷ lệ bách phân hợp lý hay thông thường nào đó.

Tiền chữa bệnh vì mang thai do hãng bảo hiểm trả chỉ có thể được giới hạn tương tự như những giới hạn chữa những bệnh khác. Không được bắt nhân viên đóng thêm bảo phí hay phụ thêm tiền túi.

Nếu chương trình bảo hiểm không trả chi phí cho những bệnh có từ trước ngày nhân viên gia nhập chương trình thì hãng bảo hiểm có thể không phải trả cho những bệnh liên hệ đến việc mang thai hiện hữu.

Chủ nhân phải mua loại bảo hiểm cho vợ của nam nhân viên tương tự như mua cho chồng của nữ nhân viên.

PHÚC LỢI PHỤ

Những phúc lợi liên hệ đến việc mang thai không chỉ giới hạn cho những nhân viên có gia đình. Trong những sở hoặc loại việc chỉ có toàn phụ nữ, những phúc lợi phải được cấp cho những bệnh liên hệ đến mang thai giống như những bệnh khác.

Nếu chủ nhân cấp những phúc lợi cho nhân viên nghỉ phép thì chủ nhân cũng phải cấp những phúc lợi tương tự cho những nhân viên nghỉ vì lý do liên hệ đến mang thai.

Nhân viên nghỉ ốm đau khi mang thai phải được đối xử như những nhân viên khác bị ốm đau tạm thời về mặt thâm niên tích lũy và tính điểm, về nghỉ phép thường niên, về tăng lương và về những phúc lợi ốm đau tạm thời.

NỘP ĐƠN TỐ GIÁC

Ủy Ban Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng (EEOC) có ấn hành những bản hướng dẫn, kể cả những câu hỏi và trả lời, giải thích Luật Kỳ Thị Mang Thai (điều 29 CFR 1604.10).

Đơn tố giác kỳ thị mang thai có thể nộp tại bất cứ văn phòng địa phương nào của Ủy Ban Cơ Hội Làm Việc Bình Đẳng. Cơ quan này có những văn phòng địa phương đặt tại 50 thành phố khắp Hoa Kỳ và được ghi trong hầu hết những cuốn điện thoại niên giám dưới tiêu đề “U.S.Government” (Chính phủ Hoa Kỳ). Muốn có thông tin về những đạo luật được EEOC thi hành, xin gọi số miễn phí 1-800-669-EEOC. Số điện thoại miễn phí TDD cho người điếc của EEOC là 1-800-800-3302. Nếu được yêu cầu, tờ sự kiện này sẽ được phát ra dưới dạng thay thế khác.



EEOC-FS/V-2