jump over navigation bar
Embassy SealBộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Đại sứ quán Hoa Kỳ - Hanoi, Vietnam flag graphic
 
Thông tin cập nhật
 
  Các dịch vụ của IRC Dịch vụ Reference Update Tư liệu dịch Kinh tế & Thương mại An ninh khu vực Các vấn đề toàn cầu Báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

Tư liệu dịch: Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

TÒA ÁN TỐI CAO HOA KỲ: TÒA ÁN CAO NHẤT CỦA QUỐC GIA
Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 4/2005

LỆNH XÉT LẠI VỤ ÁN: QUYẾT ĐỊNH XEM XÉT LẠI VỤ ÁN NÀO
Peter J. Messitte

Kể từ khi Hiến pháp Hoa Kỳ thiết lập ra Tòa án Tối cao, số lượng vụ án mà các thẩm phán phải xét xử đã tăng lên nhanh chóng. Nhằm đảm bảo rằng chỉ có các vấn đề pháp lý quan trọng nhất mới được Tòa án Tối cao xem xét, Quốc hội đã ngày càng trao nhiều quyền hơn cho Tòa trong việc xét lại các bản án đã được tuyên.

Thẩm phán Liên bang Peter J. Messitte giải thích cách Tòa án Tối cao sử dụng lệnh xét lại vụ án như thế nào để kiểm soát được số lượng vụ án cần kháng án và quyết định xem vụ nào cần phải xử lại.

Điều III, Mục 2 Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép Tòa án Tối cao có quyền xét xử sơ thẩm như một tòa án xét xử thông thường - nhưng Tòa án Tối cao chỉ được xét xử một số ít các vụ, chẳng hạn như những vụ án liên quan đến tranh chấp biên giới giữa các bang. Chức năng cơ bản của Tòa án Tối cao là xem xét lại các phán quyết của các tòa án cấp thấp hơn về các vấn đề liên quan đến hiến pháp và luật liên bang. Hiến pháp cho phép Quốc hội kiểm tra hoạt động kháng án này. Khi mới được thành lập, Tòa án Tối cao phải nghe và phán quyết tất cả các bản kháng án lên Tòa, nhưng việc này ngày càng trở nên khó khăn do số vụ án tăng lên nhiều. Sau một thời gian, Tòa án Tối cao đưa ra cách quản lý tốt hơn đối với số vụ kháng án bằng cách quy định về số lượng vụ án được xét xử lại và cách chọn vụ án để xét lại.

Với Đạo luật về Tòa án năm 1891, Quốc hội lần đầu tiên cho phép Tòa án Tối cao được chấp nhận hay từ chối một số vụ kháng án trên cơ sở tùy ý. Đạo luật này cho phép sử dụng lệnh xét lại vụ án (hay còn gọi là “cert”, theo tiếng Latinh nghĩa là “sẽ được thông báo”) theo đó Tòa án Tối cao ra lệnh cho Tòa án cấp dưới phải chứng thực và gửi kết luận của một vụ án cụ thể để xem xét lại. Biện pháp này đã xử lý được khó khăn trong một khoảng thời gian, nhưng trong vòng 30 năm Tòa án Tối cao một lần nữa lại bị gánh nặng của rất nhiều vụ kháng án bắt buộc, tại mỗi vụ kháng án, thẩm phán phải nghiên cứu sơ qua, nghe tranh luận và đưa ra ý kiến bằng văn bản. Theo lời một thẩm phán, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời gian Tòa án Tối cao dành cho “nghiên cứu, nhận xét, thảo luận một cách đầy đủ và đưa ra được những ý kiến sâu sắc và uyên bác”.

Do đó, một lần nữa Quốc hội lại giảm đáng kể lượng các kháng án bắt buộc trong sổ hồ sơ vụ án của Tòa án Tối cao. Trong Đạo luật Tòa án năm 1925, Quốc hội ngay lập tức mở rộng quyền của Tòa án Tối cao yêu cầu xét lại vụ án do tòa cấp dưới xử và vì vậy cho phép Tòa án Tối cao quyền hạn lớn hơn trong việc kiểm soát khối lượng công việc của mình. Năm 1988, Quốc hội giảm số vụ án buộc phải xét lại của Tòa án Tối cao nhiều hơn nữa và từ đó đến nay thực chất Tòa án Tối cao tùy ý xét lại các vụ án do Tòa cấp dưới tuyên. Ngày nay, bằng cách sử dụng lệnh xét lại vụ án, Tòa án Tối cao chỉ xem xét các vụ “quan trọng một cách đặc biệt và mang ý nghĩa chung” liên quan tới các nguyên tắc đảm bảo lợi ích của đa số công chúng hoặc của chính phủ.

Bao nhiêu đơn xin xét lại vụ án được nộp lên hàng năm và bao nhiêu đơn được chấp nhận?

Trong các kỳ gần đây (một kỳ bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 6), những người đã đệ đơn và nộp phí tương ứng với khoảng 1.825 đơn. Trong tổng số đơn này thì trung bình có khoảng 80 đơn, khoảng gần 4%, được chấp nhận. Cùng lúc, hơn 6.000 đơn của người nghèo (những người không có tiền trả phí nộp đơn, chủ yếu là tù nhân) đã được nộp lên. Trung bình thì hàng năm chỉ có năm đơn loại này được chấp nhận.

Bằng cách ban hành lệnh, Tòa án Tối cao bổ sung thêm một vụ án vào trong sổ ghi án của mình. Thông lệ là cho tranh tụng và ra phán quyết về vụ án đó trong cùng một kỳ, mặc dù thường có đến 40 vụ phải chuyển sang kỳ sau.

TIÊU CHÍ ĐỂ BAN HÀNH LỆNH XÉT LẠI VỤ ÁN LÀ GÌ?

Do Tòa án Tối cao không có khả năng xét xử lại nhiều hơn số vụ án tương ứng với số lệnh xem xét lại vụ án ban hành ra nên chúng ta không hề ngạc nhiên khi thấy rằng các thẩm phán chỉ chấp nhận xem xét lại những vụ gây ra tranh cãi đặc biệt lớn về mặt pháp lý và/hoặc những vụ mà các cơ quan pháp luật không thể thống nhất được với nhau và trong vụ án đó các Tòa án cấp dưới đã đưa ra những diễn giải trái ngược nhau về điều khoản của Hiến pháp hay Luật Liên bang. Trong những trường hợp như vậy, Tòa án Tối cao có thể đưa ra lệnh xem xét lại vụ án nhằm mục đích đưa ra cách hiểu thống nhất trong cả nước. Tòa án Tối cao cần phải chấp nhận một số rất ít kháng cáo chủ yếu dựa trên những sai sót được viện dẫn ra trong quá trình tìm hiểu sự việc của phiên tòa xét xử trước đó hay việc áp dụng sai lệch những nguyên tắc luật pháp được nêu ra một cách chính xác; việc xem xét lại những vấn đế này tại tòa án cấp bang hay liên bang thường đã mang tính chung thẩm.

Ai có thể nộp đơn xin kháng cáo bằng cách ban hành lệnh xét lại vụ án và làm thế nào để có được lệnh này?

Bất cứ bên nào trong một vụ kiện dân sự hay hình sự không cảm thấy hài lòng với phán quyết cuối cùng của Tòa Phúc thẩm Liên bang hay tòa cấp cao nhất của bang đều có thể nộp đơn xin kháng án lên Tòa án Tối cao. Trừ trường hợp người kháng cáo chứng minh được mình đủ tiêu chuẩn kháng cáo dành cho người nghèo (nghĩa là không có khả năng thanh toán), thì người kháng cáo phải nộp 40 bộ hồ sơ theo đúng mẫu kháng cáo và trả phí nộp hồ sơ (hiện nay là 300 đô-la Mỹ). Bên bị có thể, nhưng không bắt buộc, gửi một bản tóm tắt phản đối việc kháng cáo trong đó lập luận rằng Tòa án Tối cao không nên ban hành lệnh xét lại vụ án và người kháng cáo được phép nộp một bản trả lời tóm tắt cho việc phản đối đó. Quy định của Tòa án Tối cao nêu rõ trình tự tố tụng và thứ tự thời gian được áp dụng.

Chúng ta có thể bàn nhiều về điều gì khiến cho người kháng cáo cố nhận được lệnh xét lại vụ án hay theo như các luật sư nói là “đáng tin vào lệnh xét lại vụ án”. Có lẽ điểm đáng quan tâm nhất là liệu người kháng cáo có lập luận được hay không và lập luận ra sao về giá trị vụ án mà anh ta kháng cáo. Đương nhiên một phần của bản kháng cáo phải làm việc này, nhưng một lần nữa điều thể hiện ra đầu tiên là liệu có sự tranh cãi của các cơ quan pháp luật về các vấn đề pháp lý trong vụ án đó hay không và/hoặc tại sao vụ án này ảnh hưởng tới lợi ích công cộng khi các vấn đề được phán quyết.

CÁC ĐIỂM CẦN CÂN NHẮC

Còn có một vài điểm cần cân nhắc trước khi xem xét xem điều gì sẽ xảy ra với các đơn kháng cáo sau khi đơn được nộp.

Bản lưu vụ kiện ở tòa án cấp dưới, tòa án ra phán quyết bị kháng cáo, thì sao? Trong các vụ kháng cáo từ tòa xét xử lên tòa phúc thẩm trung cấp, thường thì người kháng cáo nộp toàn bộ văn bản vụ kiện ở tòa cấp dưới. Điều này là hiểu được bởi việc xét xử lại vụ án thể hiện cơ hội của bên thua kiện đòi tìm ra được lỗi của tòa xét xử. Do Tòa án Tối cao chỉ quan tâm tới việc lựa chọn các vụ kiện đòi hỏi nhiều sự diễn giải về luật nên người kháng cáo không cần- trên thực tế là không thể- nộp các bản lưu cùng với đơn kháng cáo, trừ trường hợp đính kèm một bản ghi ý kiến phán quyết của tòa cấp dưới. Tuy nhiên Tòa án Tối cao có toàn quyền yêu cầu bản lưu và luật sư có thể gửi kèm hay đưa ra phần thích hợp của bản lưu trong đơn kháng cáo.

Một mục khác nữa cũng đáng lưu ý là bản tóm tắt được gọi là “bạn của tòa” (amicus curiae). Bản kháng cáo có thể do cá nhân nộp, nhưng thường là do các tổ chức nộp cho nên điều này dẫn đến việc những vấn đề Tòa án Tối cao quan tâm có thể không do các bên có liên quan đến quyết định ban hành lệnh xem xét lại bản án nêu lên. Bản tóm tắt amicus curiae có thể cho phép Tòa án Tối cao lựa chọn được những vụ có liên quan nhiều nhất, những vụ án mà tầm quan trọng pháp lý của nó vượt quá cả sự quan tâm của người kháng cáo. Tòa án Tối cao nói rằng những bản tóm tắt kiểu này “có thể giúp được nhiều”, nhưng những bản chỉ đơn thuần nhắc lại lập luận của các bên sẽ chỉ là “gánh nặng” và “không được ủng hộ”. Ví dụ về lợi ích của bản tóm tắt amicus curiae chúng ta có thể thấy trong vụ New Mexico kiện Reed, một vụ án năm 1998 liên quan tới trách nhiệm của một bang trong việc chấp nhận yêu cầu dẫn độ của một bang khác. Trong vụ kiện đó, bản tóm tắt amicus curiae do 40 bang nộp lên và đưa ra những lập luận thực tế cho việc ban hành lệnh xem xét lại vụ án và đảo ngược lại được phán quyết của Tòa án Tối cao cấp bang.

Một khi Tòa án Tối cao đã nhận được đơn kháng cáo và ý kiến phản đối hay bản tóm tắt amicus curiae thì điều gì sẽ xảy ra?

Trước năm 1925, từng người trong số chín thẩm phán sẽ phải xem xét bản kháng cáo và đưa ra biên bản ghi nhớ nêu rõ ý kiến của mình về việc này. Với việc mở rộng quyền xem xét lại bản án của Tòa án Tối cao và do đó dẫn tới việc số lượng đơn kháng cáo tăng lên (từ 300 đến 400 đơn mỗi kỳ tăng lên đến gấp bốn hay năm lần), việc xem xét này trở nên quá khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Do vậy, trừ một vài ngoại lệ, không còn việc tất cả các thẩm phán xem xét lại từng đơn kháng cáo. Thay vào đó, nhiệm vụ đọc hàng trăm đơn kháng cáo mỗi tuần được giao cho thư ký pháp luật của các thẩm phán (mỗi thẩm phán có bốn thư lý pháp luật, còn riêng Chánh án có năm thư ký). Những thư ký này làm việc theo nhóm và họ sẽ chia các vụ án ra và đưa ra biên bản ghi nhớ cho từng vụ án. Các biên bản này được phát cho tất cả các thẩm phán và là bản tóm tắt các sự kiện, phán quyết của Tòa cấp dưới và phần tranh luận của các bên. Biên bản này cũng gồm cả khuyến nghị của các thư ký pháp luật về việc liệu các thẩm phán có nên ban hành lệnh xem xét lại hay không. Đương nhiên là các thẩm phán cuối cùng sẽ đưa ra phán quyết của riêng mình về từng vụ án. Như thẩm phán Byron White đã từng nhận xét, công việc này “không nặng nề như người ta tưởng”. Người ta ước tính rằng hơn 60% các đơn kháng cáo đã nộp lệ phí và hơn 90% đơn kháng cáo của người nghèo là “hoàn toàn không có giá trị khi xem xét lại”.

CÁC VỤ ÁN CẦN TRANH LUẬN

Một phương sách khác nhằm tập trung sự chú ý của các thẩm phán vào những vụ đáng xem xét lại nhất là “danh sách tranh luận”. Danh sách này do Chánh án soạn thảo và lưu hành, trong danh sách này nêu ra các vụ án mà bất cứ thẩm phán nào cũng cho là đáng tranh luận tại hội nghị thẩm phán. Danh sách này không bao giờ được tiết lộ cho công chúng biết.

Luật sư không được phép tranh cãi miệng hay bằng bất cứ hình thức nào liên hệ với một thẩm phán nhằm cố gắng thuyết phục ủng hộ hay phản đối một đơn xin kháng cáo. Thông thường thì hành động kháng cáo kéo dài trong tám tuần cho dù không có hạn chót cụ thể nào được đưa ra.

Điều gì diễn ra tại Hội nghị Tòa án Tối cao?

Thông lệ là Tòa án Tối cao sẽ xem xét các đơn kháng cáo trong danh sách tranh luận tại hội nghị vào thứ sáu hàng tuần và quyết định sẽ được công bố vào thứ hai tuần kế tiếp, trừ khi việc xem xét đơn kháng cáo bị hoãn sang hội nghị lần sau. Chỉ có các thẩm phán tham dự hội nghị này. Không một thư ký luật pháp, thư ký, băng ghi âm hay những thứ tương tự được phép có mặt.

Các thẩm phán làm việc theo nguyên tắc được gọi là “Nguyên tắc Bốn”; có nghĩa là lệnh xem xét lại vụ án sẽ được ban hành khi ít nhất bốn trong số chín thẩm phán tán thành. Đây không phải là nguyên tắc được ghi vào văn bản mà là một truyền thống lâu đời. Do đó, lệnh xem xét lại vụ án bị từ chối ngay cả khi có ba thẩm phán ủng hộ. Triết lý ở đây là nếu “một thiểu số lớn” cho rằng cần phải xem xét lại và đưa ra phán quyết đối với vụ án thì Tòa án Tối cao nên xem xét đến giá trị của vụ án và đưa ra phán quyết (chứ không nhất thiết phải chắc chắn có đa số thẩm phán ủng hộ).

Tòa án Tối cao thường không đưa ra nguyên nhân ban hành lệnh xem xét lại vụ án, mặc dù Tòa có thể tuyên bố rằng chỉ xem xét lại khi đơn kháng cáo đưa ra những vấn đề nhất định hay chỉ khi các vấn đề do Tòa án Tối cao đưa ra dựa trên bản kháng cáo. Tòa cũng thường không đưa ra lý do từ chối xem xét lại. Lý do có thể là lý lẽ chuyên môn quá hạn chế, không đúng hạn, kháng cáo một phán quyết chưa có tính chung thẩm, hay sự tồn tại các lập luận đầy đủ và độc lập của bang đã biện minh đầy đủ cho phán quyết của Tòa cấp dưới. Lý do cũng có thể là vụ án liên quan đến một vấn đề luật pháp đã được giải quyết, nhưng Tòa cấp dưới đã trích dẫn hay áp dụng nhầm luật. Chỉ với những lý do này, Tòa án Tối cao đã từ chối rất nhiều trường hợp mà vụ án không hề có tính quan trọng. Từ chối đơn giản nghĩa là Tòa không nhận xử lại vụ án. Từ chối không có nghĩa là Tòa án Tối cao chấp nhận phán quyết của Tòa cấp dưới, cho dù thậm chí hậu quả là phán quyết của Tòa cấp dưới vẫn sẽ có hiệu lực.

Tuy nhiên đúng là đôi khi thẩm phán sẽ công khai lưu lại những ý kiến bất đồng của mình đối với quyết định từ chối xem xét lại vụ án của Tòa án Tối cao. Điều này có thể chỉ đơn giản là việc ghi lại ý kiến bất đồng hay nó có thể ở dưới một dạng ý kiến phức tạp hơn. Chúng ta có thể thấy rằng những ý kiến bất đồng này không thể hiện rõ lắm việc vụ án được phán quyết như thế nào cũng như việc tại sao các vấn đề lại không đủ quan trọng để ban hành lệnh xem xét lại và vì thế tại sao phán quyết của Tòa cấp dưới lại nên được xét lại. Ý kiến bất đồng này có thể cho thấy trong tương lai thẩm phán có ý kiến bất đồng này dễ thông cảm với các yêu sách nêu ra trong đơn kháng cáo.

Nếu Tòa án Tối cao ban hành lệnh xem xét lại vụ án thì thư ký Tòa sẽ chuẩn bị và ký lệnh theo kết quả đó và thông báo cho luật sư và Tòa có phán quyết bị xem xét lại. Nếu bản lưu ở Tòa cấp dưới chưa được nộp lên Tòa án Tối cao thì thư ký Tòa án Tối cao sẽ yêu cầu thư ký Tòa cấp dưới chứng thực và chuyển đến.

Quan điểm nêu trong bài viết này là của tác giả.

lên đầu trang ^

Công cụ:

Printer_icon.gif In trang này



 

    Trang Web này được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý.
    Chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung và tính bảo mật thông tin của các trang Web khác được liên kết đến.


Đại sứ quán Hoa Kỳ