jump over navigation bar
Embassy SealBộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Đại sứ quán Hoa Kỳ - Hanoi, Vietnam flag graphic
 
Thông tin cập nhật
 
  Các dịch vụ của IRC Dịch vụ Reference Update Tư liệu dịch Kinh tế & Thương mại An ninh khu vực Các vấn đề toàn cầu Báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

Tư liệu dịch: Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ
Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Chương 4: TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN THỜI KỲ 1820 - 1860

Walt Whitman, Nathaniel Hawthorne, Herman Melville, Edga Allan Poe, Emily Dickinson và các tác giả theo chủ nghĩa Siêu nghiệm chính là đại biểu của thế hệ các nhà văn lớn đầu tiên được sinh ra ở Mỹ. Với những nhà văn viết tiểu thuyết, cái nhìn lãng mạn có khuynh hướng biểu hiện trong hình thức mà Hawthorne gọi là “Tiểu thuyết lãng mạn” (Romance), một loại hình tiểu thuyết đạt đến đỉnh cao, gợi cảm và mang tính tượng trưng. Nhưng tiểu thuyết lãng mạn không phải là những câu chuyện tình, mà là những tiểu thuyết nghiêm túc sử dụng những kỹ thuật đặc biệt để truyền đạt những ý nghĩa vừa phức tạp vừa tinh tế.

Thay vì mô tả cẩn thận các nhân vật hiện thực thông qua vô số các chi tiết, như hầu hết các tiểu thuyết Anh hay Cựu lục địa đã làm, Hawthorne, Melville và Poe đã dựng lên những nhân vật anh hùng mang tính lý tưởng, thắp lên ngọn lửa của tinh thần huyền thoại. Nhân vật chính trong những tiểu thuyết lãng mạn Mỹ là những cá nhân kỳ dị với nhiều nỗi ám ảnh. Authur Dimmersdale hay Hester Prynne trong The Scarlet Letter (Chữ A màu đỏ) của Hawthorne, Ahab trong Moby-Dick (Cá voi trắng) của Melville, và nhiều nhân vật đơn độc có những ám ảnh trong nhiều truyện kể của Poe là những nhân vật chính cô đơn được chỉ định đấu tranh chống lại những số phận tối tăm, không thể hiểu được mà những số phận này, bằng một cách thức bí ẩn nào đo,á lại phát sinh từ cái tôi vô thức sâu thẳm nhất của họ. Những cốt truyện tượng trưng biểu lộ những hành động che đậy của một tâm hồn đau khổ với bao điều dằn vặt.

Một lý do giải thích cho hướng khai thác tiểu thuyết tập trung vào cái vùng sâu kín ẩn khuất của tâm hồn con người là sự thiếu vắng một đời sống cộng đồng có cội rễ và ổn định ở Mỹ. Những tiểu thuyết gia Anh - Jane Auster, Charles Dickens (nhà văn được ưa thích nhất), Anthony Trollope, George Eliot, William Thackeray - sống trong một xã hội truyền thống, được tổ chức quy củ và phức hợp, chia sẻ với độc giả các niềm tin, nhận thức đã định hình trong các tiểu thuyết hiện thực của họ. Các nhà văn Mỹ phải đối mặt với lịch sử đấu tranh và cách mạng, một vùng đất hoang dã mênh mông khó kiểm soát, và một xã hội dân chủ tương đối không còn giai cấp và sẵn sàng thay đổi. Các tiểu thuyết Mỹ thường phô bày sự vắng mặt khác thường của truyền thống. Nhiều tiểu thuyết Anh kể về một nhân vật chính nghèo khổ vươn lên trên những nấc thang kinh tế và xã hội, nhờ vào cuộc hôn nhân tốt đẹp hay nhờ việc khám phá ra nguồn gốc quý tộc của nhân vật đó. Nhưng cái bố cục kiểu ấy không thách thức cái trật tự bất di bất dịch của xã hội quý tộc Anh. Trái lại, còn khẳng định cái trật tự ấy -Sự đổi đời của nhân vật chính đã làm thỏa mãn ước mơ về một sự thành đạt của đa số độc giả trung lưu.

Trong khi đó, các nhà văn Mỹ phải dựa vào những chủ kiến của riêng mình. Nước Mỹ, trong một chừng mực nào đó, là một biên cương luôn mở rộng, không xác định bởi làn sóng lưu dân vẫn đổ đến Mỹ mang đến đây thứ tiếng nói xa lạ và những lối sống kỳ cục, thô lậu. Vì vậy nhân vật chính trong văn học Mỹ có thể thấy mình lạc lõng giữa những bộ tộc ăn thịt người, như trong Typee của Melville, hoặc đang khám phá một vùng đất hoang vu như nhân vật Leatherstocking của James Fenimore Cooper, hay đang nhìn thấy những hồn ma bóng quế từ dưới nấm mồ như những nhân vật trơ trọi của Poe, hoặc gặp gỡ ma quỷ dạo chơi trong rừng, giống như Young Goodman Brown- nhân vật của Hawthorne. Hầu như những nhân vật chính có tầm vóc trong văn học Mỹ là “những kẻ lạc loài”. Mỗi cá nhân dân chủ Mỹ, đã phải phát hiện ra chính mình, như từng xảy ra trong thực tế.

Một tiểu thuyết gia Mỹ thực sự cũng phải phát minh ra những hình thức thể hiện mới - từ đấy ra đời hình bóng bao trùm, kỳ dị của cuốn tiểu thuyết Moby-Dick của Melville và cuốn Narrative of Arthur Gordon Pym (Thuật chuyện của ông Arthur Gordon Pym) mơ màng, phiêu lãng của Poe. Ít có cuốn tiểu thuyết Mỹ nào đạt được sự hoàn thiện mẫu mực, ngay cả hiện nay. Thay vì vay mượn những thủ pháp văn chương đã được thử thách qua thời gian, người Mỹ có khuynh hướng lao vào tìm tòi những biện pháp sáng tạo mới. Ở Mỹ, một cái gì đã được xã hội thừa nhận và noi theo truyền thống là chưa đủ, vì sự già cỗi và chính thống bị bỏ lại phía sau, chỉ có sức mạnh mới, sự sáng tạo là trung tâm của sự chú ý.

TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN

Loại hình tiểu thuyết lãng mạn thì u ám và bất trắc, nó cho thấy việc tạo ra một diện mạo riêng trong một xã hội chưa ổn định là khó khăn đến thế nào. Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn đều chết vào đoạn cuối, tất cả thủy thủ đoàn đều bị nhận chìm dưới đáy đại dương trong truyện Moby-Dick trừ Ishmael; vị mục sư có tâm hồn nhạy cảm đầy lỗi lầm - Arthur Dimmesdale - cũng chết ở cuối cuốn The Scarlet Letter. Cái giọng điệu bi ai, tự phân hóa trong văn học Mỹ trở nên nổi bật trong thể loại tiểu thuyết, thậm chí trước khi cuộc Nội chiến vào những năm 60, biểu hiện một tấn bi kịch lớn lao hơn của một xã hội tuyên chiến với chính mình.

Nathaniel Hawthorne
(1804 - 1864)

Nathaniel Hawthorne thuộc thế hệ thứ 5 của những người Anh di cư. Ông sinh ở Salem bang Massachusetts, một hải cảng thịnh vượng nằm ở phía bắc Boston chuyên buôn bán với Đông Ấn[1]. Một trong những tổ tiên của ông là chánh án chuyên xét xử những người phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy ở Salem, một thế kỷ trước. Hawthorne đã dùng cái ý tưởng về lời nguyền đối với dòng họ một ông chánh án xấu xa trong cuốn tiểu thuyết The House of the Seven Gables (Ngôi nhà bảy đầu hồi) của mình.

Nhiều câu chuyện của Hawthorne có bối cảnh ở New England thời Thanh giáo, và cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông The Scarlet Letter (1850), đã trở thành bức chân dung kinh điển về nước Mỹ Thanh giáo. Cuốn truyện kể về mối tình đầy đam mê, bị cấm đoán giữa một chàng trai trẻ, xác tín, hết sức nhạy cảm - mục sư Arthur Dimmesdale, và một người đàn bà thị dân đẹp, hết sức quyến rũ, Hester Prymn. Lấy bối cảnh ở Boston khoảng 1650 vào thời kỳ đầu thuộc địa Thanh giáo, cuốn tiểu thuyết đã nhấn mạnh nỗi ám ảnh của những người theo phái Calvin về đạo đức, sự ức chế tính dục, tội lỗi, sự thú tội, và sự cứu rỗi linh hồn.

Vào thời đó, The Scarler Letter là cuốn sách liều mạng hết sức báng bổ. Ngòi bút dịu dàng của Hawthorne, bối cảnh lịch sử xa xưa và mơ hồ đã làm dịu đi chủ đề dữ dội của ông và làm hài lòng công chúng, còn những tác giả sành điệu như Ralph Waldo Emerson và Herman Melville thì thừa nhận các sức mạnh “quỷ ám” của nó. Cuốn sách đã đụng chạm đến những lĩnh vực cấm kỵ ở Mỹ thế kỷ 19 như sự tác động của các hoạt động tự do, dân chủ và đổi mới đối với hành xử của mỗi cá nhân, đặc biệt trong vấn đề tính dục và tự do tôn giáo.

Cuốn sách được viết rất hay với bố cục tuyệt vời. Phép ẩn dụ, một thủ pháp mà người dân thuộc địa buổi đầu Thanh giáo thường dùng, cũng được sử dụng trong tác phẩm này một cách hợp lý.

Những tiểu thuyết và truyện kể khác của Hawthorne cũng góp phần xây dựng nên danh tiếng của ông. Trong The House of the Seven Gables (1854), ông trở về với lịch sử New England một lần nữa. Sự sụp đổ của “ngôi nhà” ngụ ý về một dòng họ ở Salem cũng như cái cấu trúc thật sự của nó. Chủ đề của truyện là về một lời nguyền truyền kiếp và cách hóa giải nó bằng tình yêu. Như một nhà phê bình lưu ý, nhân vật chính mang tính cách lý tưởng Holgrave đã nói lên tiếng nói về sự thiếu tin cậy mang tính dân chủ của bản thân ông vào những gia đình quý tộc già cỗi: “Sự thật là, mỗi một nửa thế kỷ, ít nhất một dòng họ sẽ hòa nhập vào đám đông mờ mịt, vĩ đại của nhân loại, và quên hết quá khứ oanh liệt của tổ tiên”.

Hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hawthorne ít thành công hơn. Cả hai đều dùng bối cảnh hiện đại, và chính vì vậy mà đánh mất đi cái ma lực trong ngòi bút của ông. Cuốn The Blithedale Romance (Bài ca thung lũng hạnh phúc - 1852) rất hấp dẫn bởi bức tranh mô tả cộng đồng Brook Farm theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Trong cuốn sách này, Hawthorne phê phán những nhà cải cách xã hội vị kỷ, thèm khát quyền lực, tự bản chất sâu xa không dân chủ chút nào. Cuốn The Marble Faun (Tượng thần Điền dã bằng cẩm thạch - 1860), tuy lấy bối cảnh là Roma, lại xoáy sâu vào những chủ đề Thanh giáo về tội lỗi, sự cô lập, sự đền tội, và cứu rỗi.

Những đề tài trên, và những bối cảnh đặc trưng ở thuộc địa New England thời kỳ Thanh giáo, là dấu hiệu đặc trưng của nhiều tác phẩm ngắn hơn nổi tiếng của Hawthorne: The Minister’s Black Veil (Mạng che mặt màu đen của ông mục sư), Young Goodman Brown (Brown trẻ người tốt bụng), và My Kinsman, Major Molineux (Người bà con của tôi, thị trưởng Molineux). Truyện này kể về một thanh niên từ nhà quê ra tỉnh - một mô thức phổ biến ở Mỹ thời kỳ đô thị hóa thế kỷ 19 -tìm sự giúp đỡ của một người bà con có thế lực, để lập nghiệp, một người mà anh chưa hề gặp. Robin trải qua rất nhiều khó khăn để tìm ra viên Thị trưởng, và cuối cùng tham gia vào một cuộc nổi loạn ban đêm kỳ lạ, trong đó có một người có vẻ như là một tên tội phạm “thành tích” bất hảo bị đuổi ra khỏi thị trấn một cách vừa nực cười vừa dã man. Robin lớn tiếng cười to hơn tất cả mọi người cho đến khi anh phát hiện ra rằng “tên tội phạm” này không phải ai khác mà chính là người anh cố công tìm kiếm - một đại diện của thực dân Anh mới vừa mới bị quần chúng cách mạng Mỹ lật đổ. Câu chuyện khẳng định sự ràng buộc của tội lỗi và đau khổ mà toàn nhân loại phải chia sẻ. Nó cũng ca ngợi mẫu người tự lập thân: Robin phải học tập, giống như mọi người Mỹ dân chủ, để trở nên giàu có nhờ sự lao động hăng say, chứ không phải do những ân huệ đặc biệt từ những người bà con giàu có.

My Kinsman, Major Molineux rọi ánh sáng lên một trong những yếu tố nổi bật nhất trong tiểu thuyết của Hawthorne: sự thiếu vắng nhân tố gia đình đầy đủ chức năng trong tác phẩm của ông. Mặc dầu cuốn Leather-Stocking Tales (Truyện kể về anh chàng đi bít tất da) của Cooper có đưa những hình mẫu gia đình vào những địa điểm ít hoang dã nhất, những câu chuyện và tiểu thuyết của Hawthorne lặp đi lặp lại cái chủ đề về những gia đình tan vỡ, bị nguyền rủa hoặc bị đổ vỡ và những khổ đau của cá nhân bị cô lập.

Ý thức hệ cách mạng cũng có‘ lẽ đã có một vai trò trong việc làm rạng rỡ ý thức về sự tự do đầy hãnh diện tuy có phần xa lạ này. Cuộc cách mạng Mỹ, nhìn từ quan điểm tâm lý lịch sử, là tương hợp với một cuộc nổi loạn bốc đồng muốn thoát ly khỏi cái bóng khổng lồ của Mẫu quốc, và một gia đình đế quốc Anh rộng lớn hơn. Người Mỹ đã dành được độc lập và lại đương đầu với tình thế nan giải đầy hoang mang trong việc khám phá nhân dạng riêng của mình tách ra khỏi những ràng buộc xưa cũ. Cái cảnh tượng này đã diễn ra vô số lần ở vùng biên cương tới mức mà, trong tiểu thuyết, sự thoát ly có vẻ như là điều kiện sống cơ bản ở Mỹ. Thanh giáo và hậu duệ theo Tin Lành của họ có thể đã làm suy yếu thêm nền tảng gia đình bằng cách rao giảng rằng trách nhiệm đầu tiên của mỗi cá nhân là việc cứu rỗi linh hồn mình.

Herman Melville
(1819 - 1891)

Cũng như Nathaniel Hawthorne, Herman Melville là con của gia đình có truyền thống lâu đời, giàu có; đột ngột rơi vào cảnh cơ hàn do cái chết của người cha. Mặc dù được dạy dỗ, truyền thống vẻ vang của gia đình và bản thân rất siêng năng, chịu khó, Melville vẫn sống nghèo khổ và không học lên được đại học. Năm 19 tuổi, ông làm thủy thủ. Niềm yêu thích cuộc đời thủy thủ lớn dần một cách tự nhiên từ kinh nghiệm riêng của ông, và hầu hết những tiểu thuyết đầu tay của ông được thai nghén từ những chuyến đi biển. Từ những tác phẩm này chúng ta được biết đến tinh thần dân chủ và cởi mở của Melville và lòng căm phẫn của ông đối với sự chuyên chế và bất công. Typee, cuốn sách đầu tiên của ông, kể về những gì xảy ra với ông trong thời gian ông sống với bộ lạc Taipis bị coi là bộ lạc ăn thịt người nhưng thực ra rất hiếu khách ở vùng đảo Marquesas, Nam Thái Bình Dương. Cuốn sách ca ngợi những người dân đảo và đời sống hài hòa gần gũi với tự nhiên của họ, đồng thời phê phán các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, những người mà Melville cho là thật sự kém văn minh hơn những người mà họ đến để khai hóa văn minh.

Moby-Dick, hay The Whale (Cá voi trắng), kiệt tác của Melville, là thiên sử thi về con tàu săn cá voi Pequod và truyền trưởng Ahab “một người giống thánh thần nhưng lại báng bổ thần linh” với nỗi ám ảnh phải tìm kiếm cho được con cá voi trắng đã dẫn con tàu và đoàn thủy thủ đến chỗ chết. Tác phẩm này, một tiểu thuyết phiêu lưu mang tính hiện thực, chứa đựng một loạt những suy gẫm về thân phận con người. Việc săn cá voi xuyên suốt câu chuyện, là một ẩn dụ lớn về khát vọng hiểu biết. Những miêu tả và liệt kê xác thực về các loài cá voi và công nghệ săn bắt cá voi rải rác đầy tác phẩm, nhưng chúng hàm nghĩa biểu trưng. Trong chương 15 The Right Whale’s Head (Đầu cá voi Thực), người dẫn chuyện cho rằng cá voi Right (còn gọi là cá voi Thực) là những người theo chủ nghĩa khắc kỷ còn cá voi Sperm (còn gọi là cá nhà táng) là trường phái Platon, ám chỉ đến hai trường phái triết học cổ điển.

Mặc dầu tiểu thuyết của Melville mang tư tưởng triết học, nó cũng đồng thời là một tấn bi kịch. Dù là một người anh hùng, Ahab đã gục ngã và có lẽ rốt cuộc bị hủy diệt. Thiên nhiên cho dù rất đẹp, nhưng vẫn xa lạ và ẩn chứa những nguy hiểm chết người. Trong Moby-Dick, Melville thách thức ý tưởng lạc quan của Emerson rằng con người có thể hiểu được tự nhiên. Moby-Dick, con cá voi trắng khổng lồ là một cái gì bí hiểm mang tầm vóc vũ trụ, đã ngự trị trong suốt cuốn tiểu thuyết, cũng như nó đã ám ảnh Ahab. Những dữ kiện về cá voi và săn cá voi không thể giải thích Moby-Dick, trái lại, những tình tiết đó, tự bản thân chúng có khuynh hướng trở thành biểu tượng, và mỗi dữ kiện đều có mối liên hệ mơ hồ với mọi dữ kiện khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, sự tương quan này (như Melville gọi nó trong chương “Nhân sư”) không có nghĩa rằng con người có thể “đọc” được sự thật trong thiên nhiên, như nó đã có ý nghĩa như thế trong tác phẩm của Emerson. Đằng sau việc tích lũy dữ kiện của Melville là một cái nhìn huyền bí, nhưng cái nhìn này xấu xa hay tốt đẹp, nhân bản hay phi nhân, cũng không bao giờ được giải thích.

Tiểu thuyết này còn mang tính hiện đại trong cái khuynh hướng tự tham chiếu hay tự chiêm nghiệm của nó. Nói một cách khác, cuốn tiểu thuyết thường nói về chính nó. Melville thường bình luận về những quá trình của tư duy như viết lách, đọc sách và hiểu biết. Chẳng hạn, mỗi chương là một khảo cứu đích thực trong đó người kể chuyện đã cố gắng phân loại sự vật nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc, nói rằng chẳng bao giờ có thứ gì to tát có thể được hoàn tất (“Thượng đế ngăn không cho tôi hoàn thành bất cứ điều gì. Cả cuốn sách cũng chỉ là một phác thảo - đúng hơn là một phác thảo của phác thảo. Ôi! Thời Gian, Sức Mạnh, Tiền Bạc và Lòng Kiên Nhẫn”). Quan điểm của Melville cho rằng một tác phẩm văn chương là một cái gì không hoàn hảo hoặc là một bản thảo bị bỏ dở là hoàn toàn hiện đại.

Ahab kiên quyết định hình một thế giới anh hùng, vượt thời gian của những điều tuyệt đối, trong đó ông ta đứng cao hơn mọi người. Thiếu khôn ngoan, ông đòi hỏi một điều hoàn tất, một câu trả lời. Nhưng cuốn tiểu thuyết cho thấy rằng không có cái hoàn tất trên đời, không có những câu trả lời cuối cùng, rằng nếu có thì chỉ là cái chết.

Các chi tiết liên hệ văn chương đầy ngụ ý ngân vang trong suốt cuốn tiểu thuyết. Ahab là tên một ông vua trong Cựu ước, khao khát có được một vốn hiểu biết tối cao, toàn bích như Faust. Giống Oedipus trong kịch của Sophocles, người trả giá quá đắt cho kiến thức lầm lạc, Ahab bị đánh mù mắt trước khi bị thương ở chân và cuối cùng bị giết chết. Moby-Dick được kết thúc bằng từ “mồ côi”. Ishmael, người kể chuyện, là một kẻ lang thang như trẻ mồ côi. Cái tên Ishmael được lấy từ cuốn chương Sáng thế ký trong Cựu ước - anh ta là con trai của Abraham và Hagar (đầy tớ của Sarah, vợ Abraham). Ishmael và Hagar bị Abraham đuổi vào sống trong rừng sâu.

Cũng có những ví dụ khác. Rachel (một trong những bà vợ của tổ phụ Jacob) là tên của con tàu cứu Ishmael ở đoạn kết. Cuối cùng, con cá voi siêu hình nhắc độc giả Do Thái và Thiên Chúa giáo nhớ đến câu chuyện về Jonah trong Kinh thánh, người bị các bạn bè thủy thủ của mình ném khỏi tàu vì bị xem là người mang lại xui xẻo. Theo Kinh thánh, bị một “con cá lớn” nuốt, anh ta sống một thời gian trong bụng cá trước khi được Thượng đế can thiệp đưa trở về đất liền. Tìm cách thoát khỏi sự trừng phạt, anh ta chỉ rước vào mình thêm nhiều khổ đau.

Những tình tiết liên quan đến lịch sử cũng làm cho cuốn sách thêm phong phú. Con tàu Pequod được đặt theo tên của một bộ lạc Da đỏ bị xóa sổ ở New England, vì vậy cái tên ngụ ý rằng con tàu đó có số phận bị hủy diệt. Việc săn bắt cá trên thực tế là một ngành công nghiệp chủ yếu, nhất là ở New England: nó cung cấp dầu làm nguồn năng lượng chính, đặc biệt cho việc thắp sáng. Do vậy cá voi, theo nghĩa đen, đã “rọi sáng” vũ trụ. Nghề săn cá voi rõ ràng cũng có xu hướng bành trướng và nối kết với ý niệm về một định mệnh hiển nhiên, vì nó buộc dân Mỹ phải dong buồm đi khắp thế giới đánh bắt cá voi (sự thật là tiểu bang Hawaii hiện nay nằm dưới sự cai trị của Mỹ vì nó đã được dùng làm căn cứ tiếp nhiên liệu chính yếu cho những con tàu săn cá voi của Mỹ). Thủy thủ đoàn của con tàu Pequod tượng trưng cho tất cả các chủng tộc và tôn giáo khác nhau, gợi nên ý tưởng nước Mỹ có một đầu óc rộng mở như một miền đất lành cho mọi sắc dân. Cuối cùng, cuộc đời Ahab là một hóa thân đầy bi kịch cho chủ nghĩa cá nhân dân chủ kiểu Mỹ. Ahab khẳng định phẩm giá của mình như một cá nhân dám chống lại những sức mạnh bên ngoài không thể nào khuất phục được của vũ trụ.

Phần kết của tiểu thuyết cố làm dịu đi sự hủy diệt bi thảm của con tàu. Trong suốt tác phẩm, Melville nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn bè và tinh thần cộng đồng con người đa văn hóa. Sau khi chiếc tàu bị đắm, Ishmael được cứu thoát nhờ một cỗ quan tài được chạm trổ bởi Queequeg, một người bạn thân của anh, một người thợ săn cá voi bằng lao rất anh dũng với đầy hình xăm trên người và cũng là hoàng tử xứ Polynesia. Những hình trang trí trên quan tài mang tính thần thoại nguyên sơ kết hợp với lịch sử của vũ trụ. Ishmael được thoát chết bởi vật tượng trưng cho cái chết. Từ cái chết, sự sống lại vươn lên ở đoạn kết.

Moby-Dick từ trước đến nay được coi là “sử thi thiên nhiên” -một vở kịch hoành tráng về đời sống tâm linh con người trong bối cảnh thiên nhiên sơ khai - bởi cái huyền thoại về những người đi săn của nó, cái chủ đề tiên khởi của nó, cái tính cách biểu tượng của hòn đảo Eden, cách xử lý tích cực của các dân tộc giai đoạn tiền kỹ thuật và niềm khát khao tái sinh của nó. Và cái bối cảnh con người cô độc giữa tự nhiên là rất đặc trưng cho tính cách Mỹ. Nhà văn và nhà chính trị người Pháp Alexis de Tocqueville đã tiên đoán, trong tác phẩm Democracy in America (Nền dân chủ Mỹ) năm 1835, rằng chủ đề này sẽ nổi lên ở Mỹ như kết quả của nền dân chủ của nó:

Thân phận con người, chính con người bị mang xa khỏi quê hương và thời đại của mình và tồn tại trước mặt Tự nhiên và Thượng đế, cùng với nỗi đam mê, sự nghi ngờ, những thiên hướng hiếm hoi và những khổ đau không sao hiểu nổi, sẽ trở thành chủ đề chính, nếu không phải là duy nhất của thi ca Mỹ.

Tocqueville lý luận rằng, trong một nền dân chủ, văn học sẽ đào sâu vào trong “những chiều sâu còn ẩn giấu của bản tính phi vật chất của con người” hơn là những biểu hiện thuần túy bên ngoài hoặc những phân biệt bề ngoài như là giai cấp và địa vị.

Chắc chắn rằng cả Moby-DickTypee cũng như Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) và Walden, phù hợp với những lời nhận định này. Đó là những tác phẩm ca ngợi thiên nhiên và là những cuộc lật đổ của đồng quê đối với nền văn minh đô thị nặng tính giai cấp.

Edgar Allan Poe
(1809 - 1849)

Edgar Allan Poe, một người miền Nam, đã chia sẻ với Melville cái nhìn siêu hình tăm tối trộn lẫn với những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực, sự nhại hài hước và châm biếm. Ông đã gọt giũa thể loại truyện ngắn và sáng tạo ra tiểu thuyết trinh thám. Nhiều truyện ngắn của ông dự báo sự ra đời của tiểu thuyết khoa học giả tưởng, kinh dị và huyễn hoặc rất phổ biến ngày nay.

Cuộc đời ngắn ngủi và bi đát của Poe bị đọa đầy bởi nỗi bất an. Cũng như nhiều nhà văn hàng đầu của Mỹ thế kỷ 19, Poe mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cuộc hôn nhân kỳ lạ của Poe vào năm 1835 với người em họ lớn nhất, cô Virginia Clemm, chưa đầy 14 tuổi, được giải thích như là một cố gắng tìm kiếm cuộc sống gia đình ổn định mà ông đang thiếu.

Poe tin rằng sự khác thường là thành tố thiết yếu của cái đẹp, và tác phẩm của ông thường quái lạ. Những câu chuyện và bài thơ của ông chen chúc những nhà quý tộc ưa tự vấn và bị đày đọa (Poe, cũng như những người miền Nam khác, ấp ủ một lý tưởng quý tộc). Những nhân vật buồn thảm này hình như không bao giờ làm việc hay tham gia cuộc sống xã hội; thay vì vậy họ tự giam mình trong những lâu đài mục nát, tăm tối, được bài trí một cách tượng trưng bằng những tấm thảm và màn cửa lạ lùng che giấu cái thế giới thật sự của mặt trời, cửa sổ, tường và sàn nhà. Những căn phòng bí mật phơi bày những thư viện cổ xưa, những tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ và đồ cổ phương Đông được tuyển lựa. Những người quý tộc chơi nhạc hay đọc các sách cổ trong khi trăn trở dày vò về những tấn bi kịch, thường là cái chết của những người thân yêu. Chủ đề về cái chết-trong-khi-đang-sống, đặc biệt là bị chôn sống hoặc trở về từ nấm mồ như một con ma cà rồng, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông, gồm The Premature Burial (Việc chôn cất vội vàng), “Ligeia”, The Cask of Amontillado (Thùng rượu của Amontillado), và The Fall of the House of Usher (Sự sụp đổ của gia đình Usher). Cái thế giới hỗn mang giữa sự sống và cái chết của Poe và những bối cảnh mang tính Gothic, màu mè, hào nhoáng của ông không chỉ thuần túy để làm phông trang trí. Chúng phản ánh đời sống nội tâm quá văn minh nhưng đượm màu chết chóc hoặc là tâm thần bấn loạn của những nhân vật của ông. Chúng là những biểu hiện tượng trưng của vô thức, và do vậy là trung tâm trong thi pháp của ông.

Thơ của Poe, cũng như thơ của nhiều tác giả miền Nam, đầy nhạc tính và tuân thủ âm vận nghiêm nhặt. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông, trong lúc sinh thời và cả ngày nay, là The Raven (Con quạ -1845). Trong bài thơ kỳ bí này, người kể chuyện mất ngủ, bị maám, chỉ đọc sách và khóc than cái chết của “Lenore đã khuất” của mình vào đêm khuya được một con quạ viếng thăm (một con chim ăn thịt xác chết, từ đó là biểu tượng của cái chết). Con quạ đậu trên cánh cửa nhà ông và lặp đi lặp lại một điệp khúc nổi tiếng của bài thơ, “không bao giờ nữa” như một điềm gở. Bài thơ kết thúc bằng một cái cảnh lạnh lẽo của một cái chết-trong-khi-đang-sống:

Và con Quạ, không hề động đậy, chỉ lặng yên cứ ngồi, ngồi yên lặng
Trên bức tượng bán thân nhợt nhạt của Pallas ngay trên cửa phòng tôi
Và đôi mắt của nó có tất cả dáng vẻ của một con quỷ đang mơ màng,
Cái ánh sáng ngọn đèn trên đầu quạ
Đổ dài cái bóng nó trên sàn;
Và linh hồn tôi thoát ra từ chiếc bóng đó bay lượn trên sàn
Sẽ được nâng lên - không bao giờ nữa!

Những câu chuyện của Poe - như đã dẫn trên đây - đã được mô tả như là những câu chuyện kinh dị. Những câu chuyện như The Gold Bug (Con bọ vàng) và The Purloined Letter (Lá thư bị đánh cắp), là những câu chuyện của suy lý hay biện luận. Những câu chuyện kinh dị của ông dự báo trước những tác phẩm của các tác giả chuyên viết truyện kinh dị Mỹ như H.P. Lovecraft và Stephen King, còn những truyện suy lý là những con chim báo hiệu của loại tiểu thuyết trinh thám của Dashiell Hammett, Raymond Chandler, Ross Macdonald, và John D. MacDonald. Cũng có một dấu hiệu về cái mà sau này xuất hiện với tên gọi là truyện khoa học giả tưởng. Tất cả những câu chuyện này bộc lộ niềm say mê của Poe với trí tuệ và kiến thức khoa học đang ngày càng có xu hướng thế tục hóa thế giới quan của nhân loại vào thế kỷ 19.

Trong mỗi thể loại, Poe cố khám phá đời sống nội tâm. Sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc ánh lên trên mỗi trang sách. “Có ai không thấy mình hàng trăm lần phạm lỗi hay hành động một cách xuẩn ngốc, không vì một lý do nào khác hơn là anh ta biết điều đó không nên làm”, đó là một đoạn trong The Black Cat (Con mèo đen). Để khám phá lãnh vực lạ lùng và hấp dẫn của những quá trình tâm lý, Poe lục lọi trong đống tư liệu về người điên và những cảm xúc tột cùng. Phong cách viết tỉ mỉ một cách gian khổ và sự giải thích cặn kẽ trong các câu chuyện làm tăng thêm cảm giác kinh hãi bằng cách tạo nên những biến cố có vẻ như thật và hợp lý.

Sự kết hợp giữa yếu tố suy đồi và chủ nghĩa nguyên thủy lãng mạn ở Poe có một sức hấp dẫn mãnh liệt giới văn nghệ châu Âu, đặc biệt là những nhà thơ Pháp như Stéphane Mallarmé, Charles Baudelaire, Paul Valéry và Arthur Rimbaud. Poe vẫn mang bản sắc Mỹ, mặc cho sự căm ghét mang màu quý tộc của ông với nền dân chủ, mặc cho lòng ưa thích những gì lai căng xa lạ và những chủ đề về sự phi nhân của ông. Trái lại, ông hầu như là một trường hợp tiêu biểu cho lời dự đoán của Tocqueville rằng nền dân chủ Mỹ sẽ sản sinh những tác phẩm bóc trần cái phần sâu thẳm nhất, ẩn khuất nhất của tâm thức. Một sự âu lo sâu thẳm và một trạng thái tâm thần bất an dường như xuất hiện ở Mỹ sớm hơn ở châu Âu, bởi vì ít nhất thì những người dân Cựu lục địa cũng đã có một cơ cấu xã hội ổn định và phát triển cao mang lại cho họ sự an toàn về mặt tâm lý. Ở Mỹ, đã không có được một sự bảo đảm tương ứng, mỗi người sống cho chính mình. Poe đã mô tả chính xác phía bên dưới của giấc mơ Mỹ về con người tự lập thân và phơi bày cái giá của chủ nghĩa thực dụng và cuộc cạnh tranh tàn bạo - sự cô đơn, tha hóa, và những hình ảnh của cái chết-trong-lúc-đang-sống.

Chủ đề “Sự suy đồi” của Poe cũng phản ánh sự xuống dốc của những biểu tượng xuất hiện vào thế kỷ 19 - cái khuynh hướng pha trộn những vật phẩm nghệ thuật hỗn tạp từ nhiều thời đại và xứ sở khác nhau trong quá trình tước bỏ đi tính cách của chúng và giảm chúng xuống chỉ còn là những vật trang trí thuần túy trong bộ sưu tập. Mớ hỗn độn các bút pháp phát sinh từ đó đặc biệt đáng chú ý ở Mỹ, nơi thường thiếu những phong cách truyền thống của riêng mình. Sự hỗn độn ấy phản ánh sự mất mát những hệ thống tư tưởng nhất quán khi việc di cư, đô thị hóa, và công nghiệp hóa đã nhổ tận gốc nền tảng gia đình và lối sống truyền thống. Trong nghệ thuật, sự rối loạn những biểu tượng này làm tăng thêm tính quái dị, một ý tưởng mà Poe đã lấy làm chủ đề của mình trong tuyển tập truyện hàng đầu của ông, Tales of the Grotesque and Arabesque (Truyện kinh dị) (1840).

CÁC NHÀ VĂN NỮ VÀ NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH PHÁI NỮ

Trong thế kỷ 19, phụ nữ Mỹ phải chịu đựng nhiều sự bất bình đẳng: họ không có quyền bầu cử, không được bước chân vào những trường chuyên nghiệp và hầu hết bậc đại học, bị cấm nói trước đám đông và thậm chí tham dự những hội nghị công cộng, và không được có tài sản riêng. Mặc cho những chướng ngại trên vẫn nổi lên hoạt động của những người phụ nữ cấp tiến. Qua thư từ, quan hệ bè bạn riêng tư, những hội họp chính thức, báo chí phụ nữ, và sách vở, phụ nữ đẩy xa hơn những thay đổi xã hội. Phụ nữ trí thức đã vạch ra những cảnh ngộ tương đồng giữa họ và người nô lệ. Họ can đảm đòi hỏi những cải tổ căn bản, chẳng hạn như sự bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền bầu cử của phụ nữ, bất chấp sự tẩy chay của xã hội và nguy cơ bị đổ vỡ tài chính. Những tác phẩm của họ là đội quân tiên phong trong hoạt động trí thức của một truyền thống văn học phụ nữ rộng lớn hơn bao gồm luôn tiểu thuyết tình cảm. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm của phụ nữ, chẳng hạn Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tôm) của Harriet Beecher Stowe, hết sức nổi tiếng. Chúng gợi cảm xúc sâu lắng và thường bi kịch hóa những vấn đề xã hội dễ gây tranh cãi, đặc biệt những vấn đề đụng chạm đến gia đình và vai trò, trách nhiệm của phụ nữ.

Lydia Child (1802 - 1880) một người chống chế độ nô lệ, đã ảnh hưởng rất lớn đến Margaret Fuller, là người lãnh đạo hoạt động phụ nữ của mạng lưới này. Cuốn tiểu thuyết rất thành công của bà, Hobomock (1824), bày tỏ nhu cầu khoan dung chủng tộc và tôn giáo. Bối cảnh của nó - vùng Thanh giáo Salem, bang Massachusetts - tiên liệu sự ra đời của Nathaniel Hawthorne. Là một nhà hoạt động xã hội, Child thành lập một ngôi trường nữ tư thục, sáng lập và biên tập tờ báo đầu tiên cho trẻ em ở Hoa Kỳ, và xuất bản tập sách tuyên truyền chống chế độ nô lệ đầu tiên, An Appeal in Favor of that Class of Americans Called Africans (Lời kêu gọi sự ủng hộ cho một lớp người được gọi là Mỹ - gốc Phi) vào năm 1833. Tác phẩm táo bạo này làm cho bà nổi tiếng và đồng thời cũng làm bà phá sản. Cuốn sách History of the Condition of Women in Various Ages and Nations (Lịch sử về hoàn cảnh của phụ nữ trong các thời đại và quốc gia khác nhau - 1855) tranh luận cho sự bình đẳng của phụ nữ bằng cách chỉ ra những thành quả của họ trong lịch sử.

Angelina Grimké (1805 - 1879) và Sarah Grimké (1792 1873) sinh ra trong một đại gia đình chủ nô giàu có ở vùng Charleston quý phái bang Nam Carolina. Hai chị em này đã chuyển lên phía Bắc để đấu tranh cho quyền lợi của người Da đen và phụ nữ. Là những người phát ngôn cho Hội chống chế độ nô lệ New York, họ là những người phụ nữ đầu tiên diễn thuyết công khai trước đám đông bao gồm cả đàn ông. Trong thư từ, tiểu luận và nghiên cứu, họ xem sự kỳ thị chủng tộc và phân biệt nam nữ là giống nhau.

Elizabeth Cady Stanton (1815 - 1902), nhà hoạt động vì quyền bình đẳng phụ nữ và sự bãi bỏ chế độ nô lệ, đã sống một thời gian ở Boston, nơi bà kết bạn với Lydia Child. Cùng với Lucretia Mott, bà tổ chức Hội Seneca Falls vì quyền bình đẳng phụ nữ; bà cũng phác thảo bản tuyên ngôn Declaration of Sentiments (Bản tuyên ngôn tình cảm) của hội. “Bản tuyên ngôn độc lập của phụ nữ” của bà mở đầu bằng câu “đàn ông và đàn bà sinh ra đều bình đẳng”, và bày tỏ một quyết tâm đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ. Cùng với Susan B. Anthony, Elizabeth Cady Stanton tổ chức chiến dịch đấu tranh cho quyền bỏ phiếu vào những năm 60 và 70, thành lập Liên đoàn phụ nữ quốc gia trung thành chống chế độ chiếm hữu nô lệ và Hiệp hội đầu phiếu phụ nữ, và cùng biên tập tờ tuần báo Revolution. Làm chủ tịch Hiệp hội đầu phiếu phụ nữ trong 21 năm, bà lãnh đạo cuộc đấu tranh cho nữ quyền. Bà diễn thuyết ở nhiều tiểu bang, một phần để hỗ trợ việc học hành của bảy người con bà.

Sau khi chồng chết, bà đào sâu phân tích sự bất bình đẳng về giới tính. Cuốn sách The Woman’s Bible (Kinh thánh của phụ nữ - 1895) của bà chỉ ra một định kiến áp bức phụ nữ bắt rễ sâu xa trong truyền thống Do Thái Thiên Chúa giáo. Bà diễn thuyết về những đề tài như ly dị, quyền lợi của phụ nữ, và tôn giáo cho đến khi bà mất ở tuổi 86, ngay sau khi vừa viết một lá thư cho Tổng thống Theodore Roosevelt ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Rất nhiều cuốn sách của bà - thoạt đầu dùng bút danh, nhưng về sau xuất hiện dưới tên bà - gồm 3 tập viết chung của bộ History of Woman Suffrage (Lịch sử quyền bỏ phiếu của phụ nữ, 1881 - 1886) và một tiểu sử tự thuật khôi hài và chân thành.

Sojourner Truth (khoảng 1797 - 1883) tiêu biểu cho sức chịu đựng và sức mạnh lôi cuốn quần chúng của nhóm phụ nữ kiệt xuất này. Sinh ra với thân phận một nô lệ ở New York, lớn lên bà nói tiếng Hà Lan. Bà thoát khỏi kiếp nô lệ năm 1827, định cư cùng với con trai và con gái trong sự bảo trợ của gia đình Van Wagener người Mỹ - Hà Lan mà bà vốn là người giúp việc cho họ. Họ giúp bà thắng trong cuộc đấu tranh pháp lý giành tự do cho con trai, và sau này bà mang tên họ. Khởi đầu sự nghiệp, bà làm việc với một giáo sĩ để huấn cải những cô gái điếm theo đạo Thiên Chúa và sống trong một ngôi nhà chung. Bà được đặt tên “Sojourner Truth” vì tiếng nói tiên tri và nhãn lực huyền bí của bà. Để phổ biến chân lý về những điều bà học được trong khi khải thị, bà thường rày đây mai đó một mình, để diễn thuyết, hát Thánh vịnh và truyền bá tư tưởng bãi bỏ chế độ nô lệ qua nhiều tiểu bang trong hơn ba thập kỷ. Được Elizabeth Cady Stanton động viên, bà ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Cuộc đời của bà được kể lại trong cuốn The Narrative of Sojourner Truth (Truyện kể về Sojourner Truth - 1850), một câu chuyện mang tính chất tiểu sử tự thuật được Olive Gilbert viết lại và xuất bản. Suốt đời mù chữ, bà nói tiếng Anh giọng Hà Lan. Người ta kể rằng Sojourner Truth đã phanh bộ ngực mình ra trong một hội nghị về quyền phụ nữ khi bà bị tố cáo là một người đàn ông. Câu bà trả lời một người đàn ông khi ông ta nói phụ nữ là phái yếu đã trở thành huyền thoại:

Tôi đã cày bừa và trồng tỉa, đã lê la ở những quán rượu, và không một người đàn ông nào có thể chỉ huy tôi. Mà tôi không phải là một người đàn bà sao? Tôi cũng có thể làm việc nhiều và ăn nhiều như một người đàn ông - khi tôi có thể kiếm được -và còn chịu cả đánh đập mắng chửi nữa! Mà tôi không phải là một người đàn bà sao? Tôi đã sinh 13 đứa con, và phải chứng kiến hầu hết bọn chúng bị bán làm nô lệ, và khi tôi gào lên nỗi thống khổ của mẹ tôi, chẳng ai nghe tôi ngoài Chúa Giêsu! Vậy tôi không phải là một người đàn bà sao?

Nhà hùng biện khôi hài và không được đánh giá cao lúc sinh thời này được so sánh với những ca sĩ nhạc Blue vĩ đại. Harriet Beecher Stowe và nhiều người khác đã nhận ra sự khôn ngoan trong người đàn bà Da đen được khải thị này, người có thể tuyên bố “Lạy Chúa, Chúa ơi, con có thể yêu ngay cả người Da trắng!”.

Harriet Beecher Stowe
(1811 - 1896)

Cuốn tiểu thuyết Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tom), hay, Life Among the Lowly (Cuộc sống của đám người hạ đẳng) của Harriet Beecher Stowe là cuốn sách nổi tiếng nhất vào thế kỷ 19. Thoạt đầu được đăng nhiều kỳ trên tờ tạp chí National Era (1851 - 1852), và ngay lập tức tạo được thành công. Chỉ riêng tại Anh, bốn mươi nhà xuất bản khác nhau đã in nó, và nó được nhanh chóng dịch ra 20 thứ tiếng, nhận được lời khen ngợi của những tác giả như Georges Sand ở Pháp, Heinrich Heine ở Đức và Ivan Turgenev ở Nga. Lời kêu gọi thiết tha chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ của nó đã làm bùng cháy lên cuộc tranh luận kéo dài một thập kỷ, dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865).

Những nguyên nhân dẫn đến thành công của Uncle Tom’s Cabin thật rõ ràng. Nó phản ánh ý tưởng cho rằng chế độ nô lệ ở Mỹ, một quốc gia chủ trương mang lại dân chủ và bình đẳng cho tất cả mọi người, là một sự bất công, phi lý khổng lồ.

Stowe là một đại biểu hoàn hảo của một dòng dõi Thanh giáo lâu đời ở New England. Cha, anh và chồng bà đều là những giáo sĩ và những nhà cải cách Tin Lành có học và danh tiếng. Stowe thai nghén ý tưởng về cuốn tiểu thuyết này - khi nhìn thấy cảnh một người nô lệ già, tiều tụy bị đánh đập - trong lúc bà đi dự lễ ở nhà thờ. Sau này, bà nói rằng chính Chúa đã khơi nguồn cảm hứng và giúp bà viết cuốn sách này. Động cơ của bà là dùng tình cảm tôn giáo cải tạo cuộc sống làm cho nó trở nên thánh thiện hơn. Thời kỳ lãng mạn đã mang đến một kỷ nguyên của các xúc cảm: nền tảng đạo đức gia đình và tình yêu thương giữ địa vị tối cao. Cuốn tiểu thuyết của Stowe đã đặc biệt đả phá chế độ nô lệ vì nó làm băng hoại những giá trị của gia đình.

Chú Tom, người nô lệ và nhân vật trung tâm, là một vị thánh tử vì đạo thật sự, người đã lao động để hoán cải người chủ nhân hậu của mình là ông St. Clare; cầu nguyện cho linh hồn St. Clare khi ông này chết, bản thân Tom cũng bị giết chết khi bảo vệ những người phụ nữ nô lệ. Chế độ nô lệ được vẽ lên với tất cả sự tàn ác không phải vì những lý do chính trị hay triết học mà chủ yếu bởi vì nó phân ly gia đình, hủy hoại tình yêu tự nhiên của cha mẹ và tự bản chất không hề mang cái tinh thần Thiên Chúa giáo. Những cảnh tượng cảm động nhất là về một người mẹ nô lệ khốn khổ chẳng có thể làm gì cho đứa con đang gào thét và người cha bị bán đi khỏi gia đình. Đó là những tội ác chống lại sự thiêng liêng của tình cảm gia đình.

Cuốn tiểu thuyết của Stowe ban đầu hoàn toàn không có ý định công kích miền Nam. Trên thực tế, Stowe đã đi thăm miền Nam, yêu thích người miền Nam và khắc họa hình tượng họ một cách tốt đẹp. Những người chủ nô lệ miền Nam là những người chủ tử tế và đối xử tốt với Tom. Bản thân St. Clare căm ghét chế độ nô lệ và có ý định giải phóng toàn bộ số nô lệ của mình. Ngược lại, ông chủ Simon Legree độc ác, là một người miền Bắc và là một tên vô lại. Thật trớ trêu, cuốn sách có ý định hòa giải Bắc - Nam, khi cả hai đang tiến gần đến cuộc Nội chiến sau đó một thập kỷ. Mặc dù vậy, cuối cùng, cuốn sách được những người ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ và những người khác dùng làm vũ khí trong cuộc luận chiến chống lại miền Nam.

Harriet Jacobs
(1818 - 1896)

Sinh ra làm nô lệ ở bang bắc Carolina, Harriet Jacobs được bà chủ dạy cho đọc và viết. Khi bà chủ qua đời, Jacobs bị bán cho một người chủ Da trắng cố tình ép bà quan hệ tình dục với hắn. Bà chống lại người chủ, tìm đến một người tình Da trắng khác và có với ông hai đứa con rồi để chúng sống với bà ngoại. “Tự hiến thân có vẻ như ít hạ phẩm giá hơn là khuất phục trước sự áp bức”, bà viết một cách thật lòng như thế. Bà trốn thoát khỏi ông chủ và dựng nên tin đồn rằng bà đã trốn lên miền Bắc.

Lo sợ bị bắt, bị trả về làm nô lệ và bị trừng phạt, bà sống suốt 7 năm lẩn trốn ngay tại thị trấn của người chủ, trong một căn phòng áp mái, bé xíu, tối tăm trong căn nhà của bà ngoại. Bà chịu đựng được mọi nỗi đau khổ là nhờ được nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình qua những cái lỗ mà bà khoan qua trần nhà. Cuối cùng bà thoát được đến miền Bắc, sống ở Rochester - bang New York, nơi Frederick Douglass đang xuất bản tờ nhật báo chống nô lệ North Start và gần Senaca Falls, nơi vừa diễn ra một hội nghị về quyền phụ nữ. Ở đây, Jacobs làm bạn với Amy Post, một người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền phụ nữ theo phái Quaker. Amy đã khuyến khích bà viết tiểu sử tự thuật của mình. Incidents in the Life of a Slave Girl (Những sự việc xảy ra trong đời của một nữ nô lệ) xuất bản dưới bút hiệu “Linda Brent” vào năm 1861, được Lydia Child biên tập. Cuốn sách lên án thẳng thừng tệ nạn bóc lột tình dục ở nữ nô lệ Da đen. Cuốn sách của Jacobs, cũng như cuốn của Douglass, là một phần của thể loại tự sự của dân nô lệ tiếp nối truyền thống từ Olaudah Equiano thời thuộc địa.

Harriet Wilson
(1807 - 1870)

Harriet là người Mỹ - Phi châu đầu tiên xuất bản một cuốn tiểu thuyết ở Mỹ - Our Nig: Or, Sketches from the Life of a Free Black, in a two - storey white house North; showing that Slavery’s Shadows Fall Even There (Phác họa về cuộc đời của một người Da đen tự do, trong một ngôi nhà trắng hai tầng, miền Bắc; chứng minh rằng bóng của những người nô lệ đã ngả dài xuống đây - 1859). Cuốn tiểu thuyết được hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực cuộc hôn nhân giữa một người đàn bà Da trắng và một người đàn ông Da đen, và cũng mô tả cuộc sống khó khăn của một người đầy tớ Da đen trong một gia đình Thiên Chúa giáo giàu có. Trước đây, người ta nghĩ rằng đây là một cuốn tiểu sử tự thuật, nhưng giờ đây được hiểu là một tác phẩm hư cấu.

Cũng như Jacbos, Wilson đã không xuất bản dưới tên thật của mình (Our Nig, là một sự mỉa mai) và tác phẩm của bà bị lãng quên mãi cho đến gần đây. Ta cũng có thể có những nhận xét tương tự với các tác phẩm của hầu hết những cây bút nữ vào thời kỳ đó. Học giả Mỹ Da đen nổi tiếng Henry Louis Gates, Jr. - trong vai trò chỉ đạo dự án nghiên cứu tiểu thuyết của các nhà văn Da đen - đã tái bản Our Nig vào năm 1983.

Frederick Douglass
(1817 - 1895)

Người lãnh đạo người Mỹ Da đen chống chế độ nô lệ nổi tiếng nhất và đồng thời là nhà hùng biện của thời đó là Frederick Douglass. Ông sinh ra với thân phận nô lệ trong một trang trại ở Maryland. Do may mắn, ông được đưa đến Baltimore tương đối tự do hơn khi ông còn trẻ, ở đó ông học đọc và viết. Trốn thoát tới Massachusetts năm 1838, vào lúc 21 tuổi, Douglass được ông chủ bút ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ Wilson Lloyd Garrison giúp đỡ và bắt đầu diễn thuyết cho những hội nhóm chống chế độ nô lệ.

Năm 1845, ông xuất bản cuốn Narrative of the Life of Frederick Douglass, An American Slave (Tự thuật về cuộc đời Frederick Douglass, một nô lệ Mỹ) của mình (ấn bản lần hai năm 1855, sửa chữa lại vào năm 1892), là cuốn hay nhất và nổi tiếng nhất trong nhiều “chuyện kể về nô lệ”. Thường được những người ủng hộ bãi bỏ nô lệ ghi chép lại từ những người Da đen mù chữ dùng để tuyên truyền. Những chuyện kể nô lệ này rất nổi tiếng vào những năm ngay trước cuộc Nội chiến. Tự truyện của Douglass rất sống động, có giá trị nghệ thuật cao và nó mang lại những hiểu biết vô song về tình trạng tâm lý của nô lệ và sự thống khổ mà định chế này đã gây ra cho những người Da đen.

Chuyện kể về nô lệ là thể loại văn xuôi đầu tiên của văn học Da đen ở Mỹ. Nó giúp người Da đen rất nhiều trong việc vượt khó khăn để thiết lập một tính cách Mỹ -Da đen trong lòng nước Mỹ Da trắng và tiếp tục gây ảnh hưởng quan trọng lên những chủ đề và kỹ thuật viết tiểu thuyết của văn học Da đen suốt thế kỷ 20. Công cuộc tìm kiếm một diện mạo riêng, sự giận dữ chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, và cảm giác về việc sống một cuộc sống vô hình, trong bóng tối, bị săn đuổi và không được đa số người Mỹ Da trắng thừa nhận, lại tái hiện trong những tác phẩm của những tác giả Mỹ Da đen thế kỷ 20 như Richard Wright, James Baldwin, Ralph Ellison và Toni Morrison.



[1] Đông Ấn: East India, tức Ấn Độ ngày nay, phân biệt với West Indies (quần đảo Tây Ấn) ở Trung Mỹ, vốn ngày xưa bị ngộ nhận là Ấn Độ, khi Christophe Colombus muốn đi đường biển sang châu Á (Ấn Độ -Trung Quốc) mà không phải đi qua Tây Á lúc đó đang bị các lực lượng Hồi giáo trấn giữ.

lên đầu trang ^

Công cụ:

Printer_icon.gif In trang này



 

    Trang Web này được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý.
    Chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung và tính bảo mật thông tin của các trang Web khác được liên kết đến.


Đại sứ quán Hoa Kỳ