jump over navigation bar
Embassy SealBộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Đại sứ quán Hoa Kỳ - Hanoi, Vietnam flag graphic
 
Thông tin cập nhật
 
  Các dịch vụ của IRC Dịch vụ Reference Update Tư liệu dịch Kinh tế & Thương mại An ninh khu vực Các vấn đề toàn cầu Báo chí, truyền thông và công nghệ thông tin Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

Tư liệu dịch: Chính trị, xã hội và văn hóa Mỹ

NỀN TẢNG CỦA CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ
Tạp chí Điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 12/2005

QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ
Ellen Hume

Ngành truyền thông độc lập sẽ đảm bảo thông tin được lan truyền tự do – một đặc điểm thiết yếu của xã hội dân chủ. Qua các ví dụ thu lượm được từ nhiều quốc gia, tác giả tóm lược bốn vai trò cơ bản của nền báo chí tự do: buộc các nhà lãnh đạo chính phủ phải có trách nhiệm, công khai hóa những vấn đề cần sự thu hút của công luận, giáo dục công dân để họ có thể đưa ra những quyết định có cơ sở và là nhịp cầu nối liền mọi người dân với nhau trong một xã hội dân sự. Ellen Hume là Giám đốc Trung tâm Truyền thông Đại chúng và Xã hội của trường Đại học Massachusettes tại Boston.

Khi chúng ta xem xét các phương tiện thông tin đại chúng dám thách thức và đưa ra ánh sáng những nhà lãnh đạo giàu có và nhiều quyền lực nhất trên thế giới, chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao điều đó lại liên quan đến báo chí tự do? Tại sao lại không quay trở lại với ý tưởng xây dựng một hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng do chính phủ kiểm soát với khả năng hạn chế tiếng nói của người dân, trừng phạt và kiểm soát quyền tự do hội họp?

Câu trả lời là không thể tối đa hóa sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân chủ nếu không có tự do lan truyền thông tin.

Thông tin là một quyền lực. Nếu một quốc gia muốn hưởng những lợi thế về kinh tế và chính trị có được nhờ pháp quyền thì các thể chế hùng mạnh phải mở cửa cho người dân được theo dõi các vấn đề một cách sát sao. Nếu công nghệ và khoa học muốn tiến bộ thì những ý tưởng đó cần phải được chia sẻ công khai.

Và nếu chính phủ muốn được đánh giá cao nhờ tinh thần trách nhiệm trước dân chúng thì các phương tiện thông tin đại chúng tự do và độc lập là không thể thiếu đối với quá trình đó. Đó là lý do Thomas Jefferson, người soạn thảo chính cho bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, đã tha thiết đề nghị Hiến pháp Hoa Kỳ cần phải đưa nội dung người dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và hội họp.

Năm 1787, Jefferson đã viết “Nếu tôi buộc phải quyết định xem chúng ta có cần một chính phủ không có báo chí hay có nền báo chí mà không cần chính phủ, tôi sẽ không ngần ngại lựa chọn giải pháp thứ hai”. Điều đó không có nghĩa là báo chí đã ưu ái Jefferson khi ông trở thành Tổng thống. Ông đã từng chịu những tố giác đầy khó xử của báo chí.

Nhưng Jefferson vẫn kiên quyết ủng hộ việc giám sát chặt chẽ của báo chí bởi ông nhận thấy rằng nếu không có tinh thần trách nhiệm và tự do tuyên truyền tư tưởng, sức phát triểntriển, sáng tạo của quốc gia sẽ bị kìm hãm và người dân sẽ không được hưởng tự do.

Một hệ thống truyền thông độc lập sẽ giữ bốn vai trò cốt yếu trong một nền dân chủ. Trước hết, báo chí đóng vai trò là cơ quan giám sát những người nắm quyền hành, buộc họ phải có trách nhiệm với nhân dân. Thứ hai, báo chí soi sáng những vấn đề cần sự chú ý của công luận. Thứ ba, báo chí giáo dục công dân, giúp họ có thể đưa ra những lựa chọn về chính trị. Thứ tư, báo chí là nhịp cầu nối liền người dân và giúp tạo ra “một thứ keo” để gắn kết xã hội dân sự lại với nhau.

BUỘC CHÍNH PHỦ PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM

Chức năng giám sát thường là một nhiệm vụ khó khăn nhất. Các cơ quan và quan chức chính phủ không phải lúc nào cũng sẵn sàng minh bạch, nhất là khi không bị truyền thống giám sát công khai. Chẳng hạn, ở Georgia thời hậu Sô-viết, đài truyền hình Rustavi II kiểm chứng những báo cáo điều tra về những vụ tham nhũng trong chính phủ. Khi chính phủ cố gắng đóng cửa đài truyền hình này chứ không phải tìm giải pháp cho vấn đề, nhân dân đã nhất tề tập hợp lại để phản đối. Các cuộc biểu tình của họ nhằm bảo vệ hệ thống báo chí độc lập đã buộc chính phủ phải sa thải những thành viên nội các dính vào tham nhũng và cho phép đài truyền hình Rustavi II phát sóng trở lại.

Một ví dụ khác là trường hợp Bangaru Laxman, Chủ tịch Đảng Bhartiya Janata ở Ấn Độ, đã bị một nhà báo bí mật của tehelka.com quay video cảnh nhận tiền lại quả cho vụ mua bán vũ khí. Sự nổi giận của công chúng, sau khi vụ việc được phanh phui, đã buộc nhiều bộ trưởng cao cấp trong nội các bị sa thải.

Các phương tiện thông tin đại chúng với nhiệm vụ buộc chính phủ nâng cao tinh thần trách nhiệm có thể sẽ hỗ trợ cho chế độ pháp quyền và nhờ đó có thể đem lại sự ổn định tốt hơn cho đất nước. Một sự ổn định như vậy sẽ khiến đất nước trở nên hấp dẫn hơn đối với các dự án đầu tư kinh tế dài hạn.

David Hoffman, người sáng lập Internews, một tổ chức phi chính phủ quốc tế giúp đào tạo và xây dựng một hệ thống phương tiện thông tin đại chúng độc lập ở hơn 50 quốc gia, đã nhận xét: “quyền tự do ngôn luận và trao đổi thông tin không chỉ là thứ đắt tiền mà còn là loại tiền tệ ngày càng đóng vai trò nền tảng cho thương mại, chính trị và văn hóa quốc tế”.

CÔNG KHAI CÁC VẤN ĐỀ

Nếu không có một bộ phận truyền thông tự do và độc lập, thì trách nhiệm công khai thông tin và đảm bảo sự an toàn hoàn toàn thuộc về chính phủ. Thiếu sự tham gia của người dân có thể sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến an ninh và tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Chẳng hạn, trong năm 2003, các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc đã không đưa tin về dịch SARS bùng phát một cách chính xác vì họ phải làm theo ý muốn bưng bít bệnh dịch của chính phủ. Do đó, không có cảnh báo căn bệnh chết người này đang vượt khỏi tầm kiểm soát ở Bắc Kinh và những nơi khác. Những người dân không có tin tức lại tiếp tục có những hành vi nguy hại tiếp sức cho sự lan truyền của bệnh dịch. Một số người bắt đầu lo sợ vì số ca nhiễm bệnh ở gần khu vực sinh sống của họ ngày càng tăng lên. Khách du lịch và giới đầu tư nước ngoài cũng vô cùng lo sợ. Khi tờ báo Wall Street Journal độc lập điều tra các bệnh viện ở Bắc Kinh, thống kê những trường hợp thực sự bị nhiễm SARS thì một số nhà đầu tư nước ngoài mất hẳn niềm tin vào những lời tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc và bắt đầu rút nhân viên của họ khỏi Trung Quốc. Chính phủ nước này đã muộn màng nhận thấy rằng họ cần phải cung cấp thông tin cho công chúng về mức độ nguy hiểm và quy mô thực sự của bệnh dịch nhằm ngăn chặn sự bùng phát và khôi phục lại uy tín của chính phủ. Trong trường hợp này, phương tiện thông tin đại chúng của nước ngoài thay mặt cho nhân dân của một nước đã buộc chính phủ phải có trách nhiệm khi báo chí địa phương không được phép làm như vậy.

GIÁO DỤC CÔNG DÂN

Khi báo chí, các đài phát thanh và truyền hình và báo chí trong nước được hoạt động tự do thì họ sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho chế độ dân chủ. Ngoài việc đóng vai trò là cơ quan giám sát các thể chế địa phương và cảnh báo cho công chúng những vấn đề liên quan đến sự an toàn của cá nhân họ, báo chí còn giúp người dân hiểu và tiếp cận với chính phủ ở nơi rất xa họ.

Cách đây nhiều năm, khi bốn ngân hàng lớn nhất ở Uruguay phải đóng cửa trong cuộc khủng hoảng kinh tế, một ông cụ ở thị trấn Tucuarembo đã gọi điện đến đài phát thanh ở địa phương nhờ giúp đỡ. Vợ ông bị ốm còn ông thì không thể tiếp cận tài khoản để lấy tiền để trả cho bác sỹ. Những người làm chương trình tại đài Zorilla đã liên hệ với đại biểu quốc hội trong khu vực của ông, và chính người này đã giúp ông cụ liên hệ với Bộ Tài chính. Ông cụ sau đó đã biết có một đạo luật khẩn cấp đang được thông qua để giúp những người như ông có thể tiếp cận với tài khoản của mình.

Đối với những người làm chương trình ở đài phát thanh Tucuarembo, việc giúp người dân trong thị trấn tiếp xúc với các cơ quan chính quyền và liên lạc với nhau đã trở nên quen thuộc. Thính giả gọi điện để tìm những cuốn sách khó tìm, tìm những con chó đã bị lạc, tìm việc làm và thuê nhân công. Maria Martin, một đạo diễn chương trình phát thanh người Mỹ đã làm việc tại đài Zorilla và rất ấn tượng trước sự thành công của nó, cho biết đài cũng phát bản tin, thảo luận thông qua điện thoại và các cuộc phỏng vấn.

Người dân ở Angren, Uzbekistan, cũng có nguồn tin tương tự từ một đài truyền hình. Họ gọi điện đến đài truyền hình TV-Orbita để trình bày những bức xúc của họ cũng như những khó khăn khác của thị trấn trên bản tin của đài. Cả giới chức lẫn người dân địa phương đều xem bản tin này. Khi chính quyền cố gắng đóng cửa đài truyền hình đó để giữ ảnh hưởng chính trị của mình thì người dân và những người tài trợ cho chương trình đã biểu tình và chính quyền đã buộc phải để đài truyền hình này hoạt động trở lại.

KẾT NỐI NGƯỜI DÂN VỚI NHAU

Việc nắm bắt tin tức xảy ra tại địa phương thậm chí còn cứu sống đựợc nhiều người. Khi cơn bão Katrina đổ bộ lên New Orleans, bang Louisiana, tháng 8 năm 2005, nhiều gia đình người Việt nhập cư trong khu vực này đã được đài phát thanh bằng tiếng Việt công suất thấp trong địa phương thông báo địa điểm di dời để đảm bảo sự an toàn và tìm đến những người láng giềng người Mỹ gốc Việt khác của họ để được trợ giúp.

Khi đập Sultan, cách thủ đô Kabul, Afghanistan, hai tiếng đi bằng xe hơi về phía nam, bắt đầu bị vỡ ngày 29 tháng 3 năm 2005, các phóng viên của đài Ghaznawiyaan đã gọi điện cho chủ tịch tỉnh, và chính ông chủ tịch sau đó đã ra tuyên bố trên đài phát thanh yêu cầu tất cả những người dân trong khu vực phải sơ tán. Bản tin đó đã đến với người dân trước khi con đập bị vỡ và phá huỷ nhiều cửa hàng và nhà của dân chúng trong làng. Một người dân đã nói “Tôi đang nghe đài Ghaznawiyaan và khi đài nói về đập nước Sultan thì tôi vặn to tiếng và hiểu rằng chúng tôi cần phải chạy ngay”. Việc đưa tin nhanh chóng như vậy của đài phát thanh đã cứu sống nhiều người. Sau đó, đài tiếp tục là cầu nối cho hai đầu của thành phố bị trận lụt chia cắt.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tìm hiểu mức độ công khai trên phương tiện truyền thông với tư cách là nhân tố tích cực đối với sự phát triển kinh tế và chính trị. Trong Báo cáo Phát triển Thế giới của WB năm 2002, họ đã tiến hành nghiên cứu ở 97 quốc gia và phát hiện rằng những quốc gia nào có các đài chuyển phát sóng của các truyền thông độc lập, thuộc sở hữu tư nhân tại địa phương có trình độ trí thức và sức khoẻ tốt hơn, ít tham nhũng hơn, và có những nguồn kinh tế minh bạch hơn.

Chắc chắn, báo chí tự do không phải lúc nào cũng hoạt động chuyên nghiệp, và cũng có thể có những hậu quả ngoài mong muốn khi mở cửa truyền thông. Nhưng các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin và các cuộc bàn thảo trong địa phương càng khách quan bao nhiêu thì công chúng càng đánh giá họ cao bấy nhiêu. Thông tin tại cơ sở như vậy chính là cội nguồn của nền dân chủ. Người dân được giác ngộ tốt hơn và có trách nhiệm hơn với chính cuộc sống của mình.

Các phương tiện truyền thông cũng có thể đóng vai trò là chiếc van an toàn nhờ việc tạo ra một diễn đàn để người dân có thể nói lên tiếng nói rất khác nhau của mình. Khả năng phát đi và nêu những quan điểm khác nhau trong xã hội có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Chuyên gia chống khủng bố Jessica Stern đã nhấn mạnh rằng khủng bố thường bắt nguồn từ tình trạng bị làm nhục – cảm giác của những người dân thấy mình không được quan tâm trong xã hội hoặc không được tôn trọng.

Như David Hoffman của tờ Internews đã nêu: “có quá nhiều bằng chứng, từ những người du kích theo phong trào Sandinista ở Nicaragua đến những người Albany nổi loạn ở Macedonia, cho thấy đưa những nhóm đối lập vào hệ thống chính trị nói chung là giải pháp phi bạo lực để giải quyết các cuộc nổi loạn”.

Báo cáo thứ hai của WB mang tên Tham vấn với Người Nghèo đã tìm hiểu 20.000 người nghèo ở 23 quốc gia và phát hiện ra rằng điều “phân biệt rõ nhất giữa người nghèo và người giàu là thiếu tiếng nói. Tức là họ không có khả năng được đại diện. Không chuyển tải tới những người có trách nhiệm những suy nghĩ của họ. Không có gì để soi sáng tình trạng bất bình đẳng của mình. Những người được phóng vấn mặc dù không có bằng tiến sỹ nhưng họ lại hiểu rõ về tình trạng nghèo đói, và điều đầu tiên họ nói tới lại không phải là tiền bạc. Đó là tình trạng thiếu tiếng nói, mất khả năng nói lên suy nghĩ của mình”.

Một ngành truyền thông năng động, có các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình và các trang web độc lập cạnh tranh với nhau, sẽ cho phép người dân cất lên những tiếng nói như vậy. Những phương tiện truyền thông nêu trên có thể hướng dư luận tập trung vào các vấn đề, khuyến khích người dân và các quan chức chính phủ giải quyết những vấn đề đó, và giúp ngay cả những người cùng cực có được những thông tin thật. Tất cả mọi người đều có lợi nếu người nghèo có cơ hội cải thiện cuộc sống của họ, được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền được tự do hội họp trong những xã hội dân chủ.

Những quan điểm thể hiện trong bài viết này không nhất thiết thể hiện quan điểm hay chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ.

lên đầu trang ^

Công cụ:

Printer_icon.gif In trang này



 

    Trang Web này được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quản lý.
    Chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung và tính bảo mật thông tin của các trang Web khác được liên kết đến.


Đại sứ quán Hoa Kỳ